Hùng Vĩ

Thứ ba - 08/07/2025 09:27
Hơn 40 năm trước, mãn hạn lính, mình trở về học tiếp năm thứ ba của cái gọi là "nền văn mười" (lớp văn K18 đại học Tổng hợp Hà Nội). Thấy hắn trong lớp, một cậu bé 19 tuổi, xinh xắn. Cùng đói cả nhưng khát vọng hiểu biết, mình, hắn và một hai sinh viên nữa cùng đi học ghi ta với thầy Trịnh Đình Thi ở ngõ Hòa Bình, phố Khâm Thiên. Được vài tháng, hắn bỏ. Thăm dò, biết hắn không có tiền học phí (bốn đồng). Mình,có lương hạ sĩ chuyển ngành, ngỏ lời tài trợ nhưng hắn từ chối thẳng. Mình để ý hắn từ đấy.
Hùng Vĩ
                                                                    Nguyễn Thế Tường- Văn khoa K14 - K18
 
     Liên quan đến một sự kiện tầm quốc gia nên mình quyết định đưa "hắn" lên face rồi sửa thành bài, không biết có làm hắn giận không. Ngoài một nét mặt đẹp, gương mặt thông minh, thì "bị thịt" của hắn không hoành tráng như danh tính.
    Hơn 40 năm trước, mãn hạn lính, mình trở về học tiếp năm thứ ba của cái gọi là "nền văn mười" (lớp văn K18 đại học Tổng hợp Hà Nội). Thấy hắn trong lớp, một cậu bé 19 tuổi, xinh xắn. Cùng đói cả nhưng khát vọng hiểu biết, mình, hắn và một hai sinh viên nữa cùng đi học ghi ta với thầy Trịnh Đình Thi ở ngõ Hòa Bình, phố Khâm Thiên. Được vài tháng, hắn bỏ. Thăm dò, biết hắn không có tiền học phí (bốn đồng). Mình,có lương hạ sĩ chuyển ngành, ngỏ lời tài trợ nhưng hắn từ chối thẳng. Mình để ý hắn từ đấy.
     Hắn có vẻ ảo tưởng và tự tin khi "đâm bổ" vào nữ sinh hoa khôi của khoa. Không hạ được "tòa thành kiên cố", hắn có vẻ biện chứng, ngộ ra, không buồn.
     Làm luận văn, vất vả lắm. Bảo vệ thành công như trút được gánh nặng, cả bọn ra nằm xoài ở hố cát dành cho môn nhảy xa. Trời lạnh, khô...bỗng hắn nhỏm dậy nói: Bây giờ tự dưng muốn chết! Cả bọn tá hỏa thấy hắn nói đúng. Là cái tâm trạng hụt hẫng và chông chênh sắp rời trường...

     40 năm sau. Không ai chết, nhưng đều già đi vì cuộc bươn trải mưu sinh. Mọi người tìm lại nhau, thường kể: Hắn chẳng kiếm được học hàm học vị hay chức vụ chính quyền cấp ủy gì nhưng nhiều người làm ông nghè ông cống hay tắc tỵ gì thì đều kêu hắn kiến giải. Sinh viên đói hắn cho tiền ăn cơm bụi, về nhà thăm mẹ ốm hắn cho vé...sinh viên yêu hắn không có ai là hoa khôi.
     Bạn thân của tôi đều là những người gần cạnh hắn cả như Nguyễn Hải Triều, Phạm Thành Hưng, Phạm Quang Long, Phạm Gia Lâm…mỗi khi nói về hắn đều tỏ ra thương cảm một người đa tài nhưng nghèo rớt, ham chơi, vô tư. Hắn rất hăng hái hoạt động công tác xã hội, làm Bí thư Đoàn thanh niên khoa, thường vụ Đoàn thanh niên trường cái thời hậu chiến đói rỗng cả ruột ra nhưng phong trào thì lên vùn vụt. Rồi Trường Tổng hợp tan ra, trường Đại học KHXH & NV thành lập, hắn là thường vụ Công đoàn trường trong nhiều năm liền, có nhiều sáng kiến đoàn kết nhân tâm, phát triển nhà trường… và rất tận tâm cho công việc.
     Cái thời tôi lang thang ra Hà Nội làm cho báo Văn Nghệ, thường gọi hắn bia cỏ quán xá. Nói thật tôi cũng ngao ngán cho độ chơi “vô tư” của hắn. Chúng tôi dẫu sao là dân làm báo chí từ tỉnh lên trung ương, thì cũng có đồng ra đồng vào. Tôi bảo: “Mày tập trung cho gia đình vợ con đi chứ, lăn lộn mãi được cái chi?”. Hắn cười, bột phát đọc mấy câu thơ kiểu nhại giọng “thơ Trần Côn”, cũng là người anh, người bạn tôi:
                                                 Ta xé đời ta ra tiền lẻ
                                                 Tiêu vung tàn tán chợ nhân tình
                                                 Ước được một lần bay rụng tóc
                                                 Thoắt chốn bùn lầy, chốn xa xanh…
     Tôi vội ghi mấy câu thơ đó và thuộc luôn vì thấy hắn cũng giống mình, cứ đa đoan, xé đời ra cho muôn nỗi.
     Đâu khoảng 2006, cách nay đã 17 năm lận, lại ngẫu nhiên gặp nhau ở Sầm Sơn. Tôi mở túi dết mời hắn củ khoai đất cát bể vì phải ăn kiêng. Hắn trầm ngâm bảo:
     -Già cả rồi, em hơn năm chục, ngũ thập tri thiên mệnh rồi, bớt vui chơi, viết thôi, mươi năm nữa là hưu, em xin nghỉ hoạt công đoàn thôi. Viết thôi, thầy Hà Văn Tấn lúc 63 tuổi đã tai biến, ngừng viết, tổng cộng được 116 bài nghiên cứu. Mình viết thôi là vừa.
     Từ đó, thấy bài các bài khảo cứu nghiêm ngắn, chín chắn của hắn từ đâu tuôn ra vòn vọt, in khắp nơi với đủ loại đề tài: dân gian, cổ văn, ngôn ngữ, nhân học, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc, khảo cổ…Đến nay, hắn tính đâu đã hơn 100 bài rồi. Cũng kinh đấy chứ.
     Rồi lại bỗng thường thấy hắn xuất hiện trên VTV sục sạo các di tích đình chùa miếu và phán như ...ông tướng. Chả hiểu hắn đọc được từ bao giờ hay tự nghĩ ra. Thời gian đầu, khoảng 15 năm trước, hắn nói hơi lập bập, nuốt từ, tôi gọi điện góp ý thẳng thắn. Nay thì ngon.
     Quê tôi có cái chùa cổ từ hồi Phật Hoàng Trần Nhân Tông du ngoạn Chiêm Thành (sau dẫn đến cuộc hôn nhân chính trị giữa công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân) từng dựng am và lưu lại thuyết pháp, nay dã 710 năm. Người ta phục dựng nhưng cái phần ruột, tức là chữ nghĩa Hán Nôm thì phải nhờ Thầy Hà Nội vào. Thầy Hà Nội vào thì hoành tráng rồi. Một nhóm quan chức xúm quanh một người chém gió. Tôi tò mò nhìn, buột miệng kêu:- “Vĩ! Mày làm gì ở đây thế?”. Nhóm quan chức có vẻ không bằng lòng vì tôi dám kêu "Thầy Hà Nội" một cách bỗ bã. Hắn đấy! Chả hiểu học chữ Hán lúc nào. Té ra tất cả câu đối chữ Hán, đâu hơn 10 đôi, là do hắn sáng tác cả, và đại tự trên 16 cái hoành phi là do hắn tuyển chọn trong bể cả thành ngữ mênh mông của Phật giáo. Ban tổ chức, với sự tham gia của Giáo hội, gửi bản thảo ra bắc vô nam, hỏi các bậc cư sĩ Phật học uyên bác góp ý. Kết quả là không sửa được “nhứt” chữ nào hết trọi. Tôi nhớ ngày xưa hắn ở lớp tiếng Pháp cơ mà.
     Chùa khánh thành, hắn được người ta nhờ viết kịch bản Lễ hội Di tích lịch sử văn hóa Chùa Hoằng Phúc và tin tưởng hắn làm tổng đạo diễn luôn. Vừa viết phần lễ, phần tế, phần hội và chỉ đạo các truyền thống dân gian, diễn tập này nọ các kiểu. Một lễ hội đầu tiên thật là đình đám, đặc biệt là lễ rước nước nửa đêm từ Trốc Vực về tắm tượng. Cả huyện đến dự nườm nượp.
     Tôi nhớ ngày đầu tiên vào làm lễ hội, hắn như từ trên trời nhảy vào nhà, nói như ra lệnh: “Anh cho em về Lệ Thủy gặp mấy bà Hò khoan với”. Trông hắn tóc tai bù xù, chiếc áo gió màu xanh đen chum hum chả hợp gì với chiều cao hơi bị khiêm tốn. Thật là giống lão già bán bánh rán hơn là một ông thầy đại học.
     Trên xe, hắn kể sáng nay vừa họp với đoàn của tỉnh đi xuyên đêm ra Hà Nội. Hắn trình bày kịch bản và họ yêu cầu hắn ra máy bay để bay vào đây luôn, không kịp về nhà thay quần áo cho tử tế. Mà hắn khoác gì lên người mà chả giống cha trai cày.
     Tôi lái xe chở hắn về quê, lên thẳng Phòng Văn hóa Thông tin gặp em Thúy phó phòng. Hắn tự tin đề xuất kế hoạch và yêu cầu tập hợp câu lạc bộ Hò khoan ngay để làm việc. Tôi chở luôn cả Thúy về nhà o Lý (Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lý), chủ nhiệm CLB Hò khoan Lệ Thủy, dưới làng Đại Phong. Mấy nghệ nhân đã tập hợp đầy đủ. Tôi có quen mấy người. Hắn giới thiệu tôi và cán bộ phòng như mình là trưởng đoàn vậy… và yêu cầu luôn là được nghe hát. Có cảm tưởng như cá gặp nước.
     Các mụ ấy hát hay thiệt. Tôi nghe nhiều mà vẫn mê. Đột ngột, hắn bước ra, giơ hai tay như là nhạc trưởng:-“Thôi! Hay rồi! Tôi sẽ viết Hò khoan, các anh chị sẽ tập và ra tết sẽ diễn trong lễ hội. Đồng ý nhé!”. Hôm đó đã là Rằm tháng Chạp ta.
     Cả câu lạc bộ ớ ra khi hắn kéo tay tôi ra về tìm nhà nghỉ. O Lý đi theo, níu áo tôi hỏi: “Eng Tường! Cái ôông này có “man man” không hí?”. Cũng đúng thôi, biết bao nhiêu “cán bộ” về ngâm cứu rồi một đi không trở lại. Dân biết thế mà.
     Từ đó cho đến tết, hắn ăn dầm ở dề quê tôi, không dính với cô nào, lại chộp được một câu lạc bộ Hò khoan Lệ Thủy sót lại sau bao thăng trầm. Chả hiểu học từ bao giờ mà hắn lập tức hò được cả 6 mái hò, rồi sáng tác bài bản cho họ.
     Tôi nhớ cái buổi chiều đó, hắn ngồi gõ xong màn văn chầu Huyền thoại Phật hoàng Trần Nhân Tông dài mênh mông, hát đến 11 phút mới xong. Hắn bắt tôi chở quay lại nhà o Lý lúc 9h tối để đưa bài. O Lý nhận bài đọc lướt rồi kêu lên: “Trời! Eng viết răng dễ hát rứa hè”, và hát lến một đoạn theo kiểu văn chầu Huế:

                                           …Qua Đèo Ngang dốc cao chót vót
                                           Chim kêu sầu, vượn hót xa xa
                                           Sông Gianh, Nhật Lệ dần qua
                                           Vượt vời Hạc Hải đã là Kiến Giang.

                                           Phong cảnh đẹp sông giăng như lụa
                                           Núi Thần Đinh bóng đổ xuống nghiên
                                           Cư dân thuần phác nhi nhiên
                                           Mười hai cảnh Phật là miền này chăng…

                                           Nam mô a di đà Phật…

     Đúng là hắn tài, trưa trên xe vừa hỏi núi này sông nọ mà giờ đã viết vòn vọt, ngon ơ. Đường hoằng pháp của Trần Nhân Tông về Lệ Thủy quê tôi là vậy.
.   Hôm sau, hắn gõ luôn một hoạt cảnh 4 màn có tên là Xuống đò đi hội chùa Quan gửi lại rồi về Đồng Hới, lên máy bay ra Hà Nội lo việc khác cho lễ hội.
     Rồi, thế này mới choáng: Hắn kiếm đâu ra tiền đưa cái câu lạc bộ chân lấm tay bùn chưa từng ra khỏi xã ấy đi giao lưu khắp nơi, từ Nghệ Tĩnh quê hắn đến Phú Yên quê chị hắn, ra Bắc Ninh, về Hà Nội... Chưa hết, hắn xin tiền trò cũ, đưa các cụ nghệ nhân trên 80 tuổi lần đầu được ra Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ, vào nhà Đại Tướng thắp hương. Rồi lại  thấy VTV tường thuật trực tiếp hát Hò khoan ở ngay bờ hồ Hoàn Kiếm
     Được hai năm đi lại, hắn in vào tặng tôi một tập gồm 130 bài Hò khoan hắn sáng tác cho dân hát. Tôi đọc mấy bài rồi bỏ bẵng trong đống sách. Không ngờ, liên hoan Đàn và hát dân ca toàn quốc tổ chức ở tỉnh Quảng Ninh năm 2018, bài Lỉa trâu hắn viết đoạt Huy chương Vàng. Người ta tưởng đó là dân ca tự thủa nào. Có nhà văn còn vô tư lấy nó vào các tác phẩm trình diễn thực cảnh của mình vì cũng tưởng đó là dân gian ngày trước.
     Kết thúc là, Hò khoan Lệ thủy được tôn vinh là DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CẤP QUỐC GIA.
     Hắn còn giúp huyện tổ chức lễ giỗ hoành tráng Thác Cảnh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh trên khu lăng mô ngài. Bài chúc văn hắn viết vọng vang như văn…Bình Ngô đại cáo vậy. Lại còn giúp luôn một phần Di sản đua thuyền trên sông Kiến Giang cấp quốc gia.
     Thừa thắng xông lên, hắn viết vở sân khấu quảng trường Bài ca huyền thoại Võ Nguyên Giáp, 70% là dân ca, diễn cho hàng vạn người xem và VTV8 truyền hình trực tiếp cả chương trình.
     Có khi gặp lại, hỏi hắn được bao nhiêu bài rồi, hắn nói là trên 200 một ít. Anh cứ nghĩ, bài cho hát đám cưới đã là 19, bài cho Hát bài chòi là 23/24 quân bài, và bao nhiêu cái khác nữa. Dân cần đến đâu, thì viết đến đó. Ghê quá. In ra thì chắc là một quyển dày dặn. Nhưng hắn không in, chỉ chụp tặng bạn bè và nghệ nhân thôi. Hắn nói:
      "Hãy tận cùng dân dã đi anh ạ, họ thích và hát nhiều là vui rồi. Trong máy tính em cả chứ ở đâu. Em từ dân gian mà nên người thì hãy trả lại cho dân chút công sức của mình. Em coi tất cả nghệ nhân dân ca trên đời này họp thành cái gọi là “Tổ nghề” của mình. Cúng dường cho Tổ nghề là ân đức, là điều nên làm”.
     Rắm tháng Giêng, mấy lần chúng tôi tổ chức Ngày thơ Việt Nam cho Quảng Bình. Gần đến giờ khai mạc, hắn chui từ lỗ nẻ nào lên xin đọc. Hắn đọc thì yên tâm rồi. Những bài thơ hắn sáng tác về chính con người và mảnh đất quê tôi. Hội trường ồn ào cả lên. Một hội viên già thốt lên: “Nhà thơ trung ương có khác!”.
     Mà về già hắn lại khá rủng rỉnh, công việc ở đâu trong cái miền trung khô khát này, khi chở hắn đi, tiền xăng hắn trả hào phóng cho con xe bốn bánh cà khổ của tôi. Việc mua quà bánh cho nghệ nhân thì ôi thôi, chất đầy cốp sau. Không biết hắn lấy tiền đâu ra khi lương hưu đưa hết cho vợ.
     Gần đây, nhân có anh bạn từ Mỹ về, chúng tôi ghé thăm Giáo sư Nguyễn Kim Đính. Thầy nói: “Vĩ đấy a! Người trong quê tôi xem ti vi, họ gọi ông Vĩ là “Ông Trạng Nguyên” vì trong đầu là một núi kiến văn để dạy cho dân”.
     Đến đây thì không thể nói cái "bị thit" nhỏ con của hắn không HÙNG VĨ . Ai có cái ảnh, trương lên dùm cho thiên hạ thấy cái bản mặt xinh xẻo của hắn.
Đồng Hới – Hà Nội 2023.

 

Tác giả: Khoa Văn học, Nguyễn Thế Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay128
  • Tháng hiện tại1,967
  • Tổng lượt truy cập12,932
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây