Phát biểu mở đầu, TS. Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định cam kết trong việc đồng hành phát triển nhân lực sáng tạo cho ngành điện ảnh.
Tiếp đó, TS. Ngô Phương Lan – Giám đốc DANAFF, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam – nhấn mạnh rằng DANAFF không chỉ là nơi trình chiếu tác phẩm, mà còn là nền tảng dài hạn nhằm phát hiện và nuôi dưỡng các tài năng trẻ. Trong định hướng này, hai chương trình được chú trọng là “Ươm mầm tài năng” cùng “Vườn ươm dự án”. Đây chính là cầu nối giữa đào tạo lý luận và thực hành nghề nghiệp, góp phần kiến tạo hệ sinh thái điện ảnh Việt năng động, có khả năng hội nhập mà không đánh mất bản sắc.

TS. Ngô Phương Lan – Giám đốc DANAFF, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam – nhấn mạnh rằng DANAFF không chỉ là nơi trình chiếu tác phẩm, mà còn là nền tảng dài hạn nhằm phát hiện và nuôi dưỡng các tài năng trẻ.
Cử toạ lắng nghe phần thuyết trình tiếng Hàn tại Hội thảo
Phần trình bày tham luận gồm bảy báo cáo đến từ các học giả và nhà thực hành, với nhiều góc nhìn từ hệ thống đào tạo công lập đến mô hình đại học đa ngành, từ môi trường quốc tế đến bối cảnh số hóa trong nước:
- “Đào tạo nhân lực cho ngành Điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh số hóa và toàn cầu hóa” – PGS.TS. Hoàng Cẩm Giang (Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội)
- “Xây dựng thế hệ nhà làm phim mới: học hỏi quốc tế và mở rộng hợp tác” – PGS.TS. Phan Thị Bích Hà (Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM)
- “Hợp tác quốc tế trong đào tạo Điện ảnh: Quá khứ – Hiện tại – Tương lai của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội” – Đạo diễn Nguyễn Hồng Quân
- “Không chỉ cần tài năng – Việt Nam khởi động tiến ra thị trường quốc tế” – Đạo diễn Tony Bùi
- “Giáo dục điện ảnh tại Pháp và sự hỗ trợ cho phát hành - trình chiếu độc lập” – Ông Jérémy Segay, Tuỳ viên Nghe nhìn, Đại sứ quán Pháp
- “Yếu tố quan trọng trong hợp tác quốc tế với các dự án của Việt Nam” – Nhà sản xuất Charles Chulsoo Kim
- “Kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo ngành phim trong khuôn khổ trường đại học đa ngành” – Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

Nhà sản xuất Charles Chulsoo Kim, Đạo diễn Tony Bùi, tuỳ viên văn hoá Jérémy Segay, Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tại hội thảo
Dù đến từ các hệ thống khác nhau từ trường công lập chuyên sâu đến đại học đa ngành, từ chính sách nhà nước đến thị trường độc lập, các tham luận đều cùng nhấn mạnh: không có mô hình đào tạo nào duy nhất, nhưng điều cần thiết là khả năng thích ứng và kết nối giữa thực hành – lý luận – môi trường sản xuất thực tế.
Với sự điều phối của giám tuyển Trương Quế Chi, các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo, sản xuất, và kết nối các dự án độc lập, mang đến cái nhìn thực tiễn về những điều kiện cần thiết để phát triển nguồn nhân lực điện ảnh trong nước, mở ra nhiều liên kết giữa các thế hệ và các hệ thống đào tạo, góp phần tạo nền tảng cho những bước đi xa hơn của điện ảnh Việt Nam trong tương lai.
TS. Nguyễn Thị Bích là Thư ký khoa học của hội thảo. Bên cạnh đó, Ban điều hành CLB Điện ảnh và sinh viên K69 Điện ảnh & Nghệ thuật đại chúng đã tích cực tham gia, lắng nghe góp phần tạo nên không khí học thuật sôi nổi và gần gũi tại sự kiện.

Sinh viên ngành Điện ảnh và Nghệ thuật Đại chúng, Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội tham dự hội thảo